Chiến-trận Ba-Lòng
(Tiếp-ứng TÐ8/TQLC trong chiến-dịch HQ Lam-Sơn 810)

* Viết cho Lương-văn-Của Ðại-đội F/ Khoá 23 và các Chiến-binh TÐ 9/TQLC.

LTG: Tôi thay thế sự đàm thoại bằng mật mã ra bạch văn để đọc giả dễ hiểu thay vì dùng mật mã khi dùng PRC25 bảo mật về danh xưng của đơn vị, ám danh, cấp số (Tiểu Ðoàn,Ðại Ðội,Trung Ðội...) trong lúc hành quân.


Tân-An-Ðoàn-văn-Tịnh

Nằm về phía Bắc của thị-xã Quảng-Trị chừng hơn 10 cây-số là một thị-trấn không lớn, nhưng lại vô cùng quan-trọng cả trên hai mặt: Quân-sự và kinh-tế, đó là thị-trấn Ðông-Hà. Ðông-Hà là một cứ-điểm tiền-đồn lớn của miền Nam Việt-Nam, nằm trên ngã ba của đường xuyên Việt, Quốc-lộ 1 và Quốc-lộ 9 ngõ rẽ sang Lào.

Về quân-sự, Ðông-Hà là một hậu cứ, từ đó yểm-trợ, tiếp-vận mọi mặt cho các tiền-đồn biên-giới phiá Bắc. Theo Quốc-lộ 1 thẳng lên phiá bắc sẽ tới Gio-Linh với các căn-cứ C1, C2, Cồn-Thiên v..v... ỏ phía Tây và tiến sát vào vùng phi quân-sự là các căn-cứ A1, A2, A3, A4. Các căn-cứ hoả-lực này yểm-trợ và làm nơi xuất-phát cho các cuộc hành-quân của Sư-đòan 1 BB để ngăn chặn sự xâm-nhập cuả quân Bắc-Việt. Tiến thêm chừng hơn cây-số nữa sẽ gặp cầu Hiền-Lương, chiếc cầu lịch-sử trên giòng sông Bến-Hải, chia cắt hai miền Nam-Bắc sau hiệp định Genève 1954. Rẽ trái về Quốc-lộ 9 sẽ tới Cùa, Cam-Lộ, Mai-Lộc trong vùng rừng núi phiá Tây-Nam với các căn-cứ hoả-lực Mai-Lộc, Sarte, Bá-Hộ ...

Từ ngã ba Cùa, cứ thẳng Quốc-lộ 9 sẽ nhìn thấy căn cứ Carol, và nằm bên kia bờ sông Ðông-Hà là căn-cứ Fuller nằm trên đỉnh núi cao vời vợi, trên dẫy núi non hiểm trở, nhìn xuống vùng thung-lũng bên dưới là căn-cứ Khe-Sanh, một địa-danh nổi tiếng trong quân-sử. Con đường tiếp tục chạy qua Làng-Vây, từ đó vượt qua sông Nậm-Khàng, giòng sông biên-giới phiá Tây của Việt-Lào. Trên địa-phận đất Lào có dẫy núi đá dựng đứng như búc tường thành gọi là rặng Koroc.

Về kinh-tế, Ðông-Hà là nơi trao đổi buôn bán giữa hai miền Kinh-Thượng. Những người dân sống ở đồng-bằng ven biển và những người dân trên núi cao, trong các buôn, làng, bản, sóc, trao-đổi nhau hàng hoá, thực-phẩm như cá tôm mắm muối vải vóc và các dụng cụ dùng trong nhà. Còn các người miền cao đem xuống khoai, sắn, mật ong, quế, ngà voi, sừng tê ... và trước giao-tranh bùng nổ lớn, chính Ðông-Hà là điểm giao-thương quan-trọng của Việt-Lào.

Cái thị-trấn đất đỏ, nhiều bụi bậm này vào muà hạ nóng bức, những cơn gió thổi từ phiá Tây đem nhiều bụi đỏ che phủ cả mái nhà cây cỏ. Người dân nơi đây quen gọi là gió Lào, rất nực nội khó chịu. Từ tháng chạp sang tháng giêng, cũng những cơn gió này thổi khí lạnh từ những dẵy núi đá xuống vùng đồng bằng gầy guộc này, tạo nên những cơn lạnh thấu xương, dân địa-phương gọi những trận gió này là gió Bấc. Miền Bắc Trung Việt thường nói về quê-hương nghèo khổ thiếu-thốn của mình qua hai câu thơ sau đây:

Quê em nghèo lắm ai ơi !
Muà Ðông thiếu áo, Hè thời thiếu cơm
....”

Cái lạnh của mùa đông rét buốt, cái nực của muà hạ vắt ra mồ hôi và sự thiếu-hụt lương-thực đã tạo nên đời sống còm cõi của người dân nơi đây.

o0o

Nắng chiều đã xuống thấp giữa vùng rừng núi Ðông-Hà. Vì đang là mùa hạ, nên trời vẫn còn sáng. Từ vị-trí đóng quân trên một đỉnh đồi trọc bên cạnh căn-cứ Mai-Lộc, thuộc làng Mai-Lộc, cách ngã ba Cùa chừng vài cây số, chúng tôi vẫn còn nhìn thấy những đỉnh núi cao cuả các căn-cứ Sartre, Ba-Hô, Holcomb. Từ đó hỏa-lực pháo-binh có thể với tới vùng núi về phía Tây và Tây-Nam đó là môt rặng núi chạy từ Ðông sang Tây có địa danh là Ðộng-Chó.

Trước đây vài ngày, vói sự phát-hiện địch quân tập-trung đông-dảo tại đây, đỉnh Ðộng Chó đã bị các phi-vụ A37 và F105 dội bom liên-tục và cả B52 “trải thảm”. Nhưng đây là rừng già, cây cao và dẫy núi đá này rất cao và dài, nhưng không có bề ngang, giống như một bức tường thành mỏng dính, khiến những trận mưa bom và pháo không mấy hiệu-quả. Bởi thế cho nên sau khi nhẩy vào khu-vực Ðộng-Chó, đoàn quân Ó-Biển của ÐB Phu-Nhân (danh-hiệu của Thiếu-tá Nguyễn-văn-Phán, Tiểu-đoàn trưởng TÐ8/TQLC) đã gặp sự kháng cự mãnh-liệt và bị tấn-công nặng nề cả hai mặt quân-số và hoả-lực của quân Bắc-Việt phòng-thủ với cỡ Trung-đoàn.

Từ xa, nhìn lên đỉnh Ðộng-Chó, trên chỏm núi tuy có những khoảng cây thưa thớt lộ ra những đỉnh đá cao thấp nối nhau, nhưng gây nhiều trở-ngại cho trực-thăng lên xuống và pháo cối của địch dập xuống như mưa và chính-xác. Về phía Ðông, từ chân núi, pháo-binh TQLC và các phi-cơ của ta cũng làm việc liên-tục để yểm-trợ cho TÐ8/TQLC.

o0o

Ngày 5 tháng 6, 1971.

TÐ 9/TQLC nhận được lệnh của Lữ-Ðoàn, khẩn-cấp trực-thăng vận vào Ðộng-Chó để tiếp-ứng cho TÐ8/TQLC. Ðáng lẽ hôm nay là định-kỳ tiếp tế thực-phẩm của TÐ 9/TQLC, nhưng vì tình-hình cấp-bách không thể chờ tiếp-tế, nên Thiếu-tá Nguyễn-kim-Ðễ, Tiểu-đoàn trưởng TÐ 9/ TQLC quyết định đem lương khô phân-phối cho các Ðại-đội. Những trang bị đạn-dược đã được hoàn-tất từ chiều hôm qua, sau khi họp hành-quân tại BCH/TÐ. Ý-niệm hành-quân của Tiểu-đoàn là chia ra làm hai cánh quân. Cánh B gồm các Ðại-đội 1 và 2 do Tiểu-đoàn phó, Ðại-Uý Phạm-Cang chỉ-huy. Cánh A gồm BCH/TÐ sẽ đi với Ðại-đội 3 và 4.

Cả hai cánh quân sẽ được trực-thăng vận, cùng đổ xuống phía Ðông và Ðông Bắc trên những ngọn núi cách Ðộng Chó chừng cây số. Từ đó, cánh B bên phải, cánh A bên trái, tiến đánh vào phiá Ðông và Ðông-Bắc của mục-tiêu, giải-toả áp-lực địch và tiếp-ứng cho TÐ8/TQLC, tiến chiếm và phòng-thủ Ðộng-Chó. Hỏa-lực yểm-trợ cho cuộc hành-quân gồm có pháo-đội của TÐ1/PB/TQLC và các phi-vụ sẵn-sàng tại Hạm-đội Hoa-kỳ đang túc-trực tại biển Ðông.

Ðầu tháng 6, tuy là mùa hạ, nhưng khí-hậu vùng rừng núi Trường-Sơn vẫn còn lạnh vào buổi sáng, khắp rừng núi, thung-lũng, sương lam dầy đặc. Dù là mặt trời đã lên khá cao, nhưng ánh sáng và sức nóng chưa đánh tan được vùng sương mù phía dưới, nên cuộc HQ trực-thăng-vận khởi sự hơi trễ. Tới 10 giờ sáng, chúng tôi mới nghe tiếng động cơ của đoàn trực-thăng bay tới từ hướng Ðông. Ðoàn trực-thăng đầu tiên chở cánh B của Tiểu-đòan phó Cam-Ranh đã bốc lên cao, nhắm thẳng hướng Ðộng-Chó phóng tới. Chừng 20 phút sau, đoàn trực-thăng đã đổ cánh B xuống vị-trí ấn-định và quay lại Mai-Lộc để bốc tiếp.

- Ðàlạt đây Cam-Ranh.

- Nghe Cam-Ranh.

- Chúng tôi đã xuống đất an-toàn. Cho Trùng-Dương (ÐÐ4) bố-trí chờ Ðàlạt, còn tôi tôi tiếp-tục cho ÐÐ2 tiến tới mục-tiêu.

- Ðáp-nhận Cam-Ranh.

- Pháo, cối của địch đang quay về hướng tôi.

- Nhận Cam-Ranh, cẩn-thận.

Sau khi toàn bộ ÐÐ3 và BCH/TÐ9 đã sẵn-sàng trên trực-thăng, đoàn trực-thăng bốc lên. Những cánh quạt đập mạnh vào không khí liên-tục tạo nên những âm-thanh vang động cả núi rừng. Ðoàn chim sắt bay bổng lên cao, và nhắm Ðộng Chó thẳng tiến. Chừng hơn 10 phút, từ trên cao nhìn xuống khu-vực hành-quân, chung quanh động, cây cối cao và rậm rạp, trên dãy đỉnh núi, pháo, cối của địch dập liên-tục. Ðoàn trực-thăng nhanh chóng đáp xuống từng hai, ba chiếc một. Từ độ cao dưới hai mét, chúng tôi nhẩy xuống mặt đất, lanh lẹ tìm chỗ bố-trí, sẵn-sàng tác-chiến.

- Tầm-Dương đây Trùng-Dương.

- Nghe Trùng-Dương.

- Con cái xuống xong rồi phải không?

- Tiến quân theo hướng Tây, Tây Nam nghe Tầm-Dương.

- OK.

Vài phút chấn-chỉnh và Ðại-đội đã sẵn sàng đội hình, bắt đầu tiến quân. Sa-Giang (Trung-đội 1) dẫn đầu, cánh phải là Trung-đội 2 do Thiếu-uý Ðặng-ngọc-Minh, yểm-trợ bên phải của Ðại-đội. Sau Ban chỉ-huy Ðaị-đội là Trung-đội 4 của Chuẩn-úy Võ-hoàng-Nam và Trung-đội 3 của Lam-Giang nằm lại bảo vệ đằng sau cho BCH/Tiểu-đòan.

- Sa-Giang nhớ bên trái là Ðại-đội 4, cách chúng ta một đường đỉnh, tránh ngộ-nhận.

- Ðáp nhận anh Tư.

- Minh-Giang đây Tầm-Dương.

- Tôi nghe anh Tư.

- Minh-Giang nhớ bên trái là cánh B của Cam-Ranh, cho con cái di-chuyển và quan-sát cẩn-thận. Tiểu đội nào đi đầu?

- Trung-sĩ Châu, TÐ1.

- OK.

Dưới những loạt đạn pháo của địch, chúng tôi vẫn tiến quân dù rằng đã có vài binh-sĩ đã bị thương, nhưng chưa chạm địch. Toàn thể khu rừng đã trở nên sôi động bởi vô số loạt đạn nổ của súng cối, pháo binh địch. Pháo-binh của TQLC và những phi-vụ A37 liên-tục dội xuống hướng Tây và ngay cả đỉnh núi đá cao phiá trước.

- Tân-An, Trùng-Dương đây Ðàlạt.

- Tân-An nghe Ðàlạt.

- Trùng-Dương nghe Ðàlạt.

- Chuẩn-bị và cẩn-thận vì Ó-Biển không còn nằm trên đỉnh Ðộng-Chó nữa. Họ đang di-tản về phiá chúng ta, tránh ngộ-nhận, sẵn sàng bắt tay và tiếp-nhận.

Thời gian đặt chân xuống mặt đất cho đến bây giờ trên một tiếng đồng hồ, chúng tôi chưa nổ súng vì chưa chạm địch. Ngoại trừ Ðaị-đội 4 bên trái chạm nhẹ với địch quân, không đáng kể.

- Ðàlạt đây Cam-Ranh.

- Tôi nghe Cam-Ranh.

- Tôi đã gặp một số binh-sĩ và sĩ-quan của TÐ8 đang chạy về phiá chúng ta cùng với một số thương binh.

- Ðáp nhận, cho người hướng dẫn TÐ8 ra phiá sau, sẵn-sàng tác-chiến.

- Ðáp nhận Ðàlạt.

Khu rừng phiá trước mặt trở nên ồn ào vói những tiếng la hét và tiếng di-chuyển. Trong phút chốc, chúng tôi nằm lại bố-trí, quan-sát, chờ địch. Dặn dò con cái cẩn-thận trước khi nổ súng, coi chừng quân bạn. May mắn là chưa chạm địch nên sự nhận-diện tương-đối dễ-dàng và đơn-giản hơn. Nhiều binh-sĩ và sĩ-quan của TÐ8 đã về tới tuyến quân của chúng tôi. Trên dáng mặt hân-hoan và vội-vàng có lẽ vì những đợt tấn-công và pháo cối quá hùng-hậu của địch, nên TÐ8 không thể nằm lại để chiến-đấu được nữa, đã vỡ tuyến và di-tản. Lộ trình trong rừng núi cao hiểm trở đã tạo nên quá nhiều trở-ngại cho đàn Ó-Biển, càng khó khăn hơn nữa là họ mang theo những thương binh và cả một số xác bạn. Hầu hết không còn ba-lô mà chỉ còn súng và dây đạn là những vật bất ly thân của chiến-binh mà thôi.

Chiến-trận thắng bại là lẽ thường, chỉ tội nghiệp cho binh-sĩ và thuộc cấp của chúng ta, cho đến giờ phút này họ mới có thể lấy lại bình-tĩnh để biết rằng mình vẫn còn sống, đang được đơn vị bạn tiếp đón, dù rằng giữa vùng rừng núi trùng-điệp này. Chiến-trận và hiểm-nguy đang tiếp tục vây quanh.

- Một, hai, ba, bốn đây Tầm-Dương. Thẩm quyền vào máy.

- Một nhận, Hai nhận, Ba nhận, Bốn nhận.

- Cứ nằm yên bố-trí vững vàng, sẵn sàng tác chiến, để các binh-sĩ và thuơng binh của TÐ8 di-chuyển về phiá sau và cho y-tá phụ giúp họ.

- Ðáp nhận anh Tư.

Thời gian qua nhanh, với những bận rộn đón tiếp đơn vị bạn đang di-tản. Rừng núi đã về chiều. Nhìn đồng hồ trên tay, bây giờ là 4 giờ 15. Tôi nhủ thầm: “Không sao, còn sớm, có lẽ đêm nay sẽ phải đóng quân ở một nơi nào đó trong khu rừng này, nhưng chắc phải cho toàn bộ thương binh và binh-sĩ của TÐ8 về phiá sau với BCH/TД. Bỗng tôi nghe tiếng kêu nhỏ, quen thuộc. Tôi quay lại, ồ Ðại-úy Lộc, anh là một trong những Ðại-đội trưởng của TÐ8. Nét mặt nghiêm-trọng và buồn bã, Lộc thở dài và nói:

- Ðổ quân xuống là bị chúng tấn-công và pháo-kich, cuối cùng phải tan hàng.

Tôi vỗ vai Lộc, vừa là bạn bè vừa là chiến-hữu, tôi biết anh là một cấp chỉ-huy trận-mạc rất gan lì và thành-công.

- Ðừng lo buồn vô ích, thắng bại là chuyện thường tình của chiến-tranh, bạn cứ đưa con cái lui về sau nghỉ ngơi.

Lộc chào tôi và anh di-chuyển theo thuộc cấp cùng mấy sĩ-quan trong đơn-vị anh.

- Tầm-Dương đây Sa-Giang.

- Báo cáo anh Tư đã chạm địch.

- Nhận Năm, cho con cái tác-chiến.

- Minh-Giang đây Tầm-Dương- Thẩm quyền vào máy.

- Minh-Giang nghe Tầm-Dương.

- Sa-Giang đang chạm địch, Minh-Giang cẩn-thận bố-trí và sẵn sàng tác-chiến.

- Ðáp nhận.

Những loạt đạn địch xông thẳng vào giữa tuyến, chạm vào cây lá nghe chát chuá, và Trung-đội của Sang trả đũa hùng-hậu. Cánh bên phải của Minh cũng đang chạm địch. Với sự bố-trí sẵn sàng và hoả-lực mạnh mẽ, những toán quân truy-kích của Bắc-Việt không thể tiến tới được. Chừng nửa giờ giao-tranh, chúng la ó rút lui, để sửa soạn cho một trận sanh-tử về đêm.

o0o

5 Giờ 30 ngày 5 tháng 6, 1971.

- Tân An đây Ðàlạt. Toàn bộ TÐ8 đã rút lui. Theo lệnh trên, Tân-An chuẩn-bị cho con cái di chuyển trở lại phiá bờ sông. Cam-Ranh cùng Ðại-đội 2 cũng đã di chuyển về bờ sông.

- Trùng-Dương (ÐÐ4) nằm lại yểm-trợ cho BCH/TÐ và ÐÐ3 rút lui.

- Ðáp nhận Ðàlạt.

Chuẩn bị xong đội hình, cho Trung-đội 3 của Lam nằm lại bố-trí giữ an-toàn cho Trung-đôi 1 rút lui, kế tiếp là Trung-đội 4, BCH/ÐÐ và Trung đội 2 di-chuyển bên trái, nhắm hướng bờ sông tiến tới. Di-chuyển trở lại không mấy khó khăn, nhưng bây giờ chúng tôi phải mang theo một số binh-sĩ bị thương và thân xác của vài quân-nhân TÐ8 tử trận, trong đó có xác của một người đàn em, cùng xuất thân từ Trường Võ-Bị Ðà-Lạt, tên anh là Lương-văn-Của, Khóa 23 (mà vợ anh là con gái chủ tiệm Cà-phê Tùng ở Ðà-Lạt).

Ngoài chiến-trận, bên cạnh chỉ có chiến-hữu, đó là niềm vui, là tình bạn, chia nhau những buồn vui của đời sống. Chúng tôi không thể bỏ họ lại nơi đây, dù có cực-nhọc, cũng cố-gắng mang theo về cho gia-đình họ, nếu được. Do đó, sự di-chuyển bị chậm-chạp. Có những đoạn phải bò, phải leo núi, nên chưa tới bờ sông, trời đã sụp tối từ lâu rồi. Nếu cố gắng tiếp-tục thì chúng tôi cũng có thể qua sông đêm nay, nhưng vô cùng nguy-hiểm, nên phải bố-trí quân nằm lại để đoạn-hậu.

BCH/TÐ với hai cánh quân của Trùng-Dương và Tân-An (ÐÐ4 và ÐÐ3), mặc dù biết rằng sẽ có thể nguy-hiểm nếu vượt sông chậm lại vào sáng mai. Suốt đêm không ngủ, nằm thao-thức trên chiếc võng, mắc thực thấp giữa hai thân cây rừng, đầu óc tôi miên man suy-nghĩ, cứ chờ và mong trời mau sáng. Ðêm không có động-tĩnh, không tiếng súng, không có sự tấn công nào của địch dù nhỏ, mặc dù chúng tôi đang nằm giữa núi rừng đông đúc địch quân. BCH của Tiểu-đoàn phó Cam-Ranh và hai Ðại-đội cùng tất cả TÐ8/TQLC đã qua sông khi trời nhá-nhem tối và đã tiến lên được đỉnh núi bên kia sông, dừng quân bố-trí để đợi cánh A sẽ sang sông ngày mai.

o0o

6 giờ sáng ngày 6 tháng 6, 1971.

Ðại-đội 3, Ðại-đội 4 và BCH/TÐ đã sẵn sàng di-chuyển. Ðúng 7 giờ sáng, toán quân tiền-phong của Sang đã chạm tới bờ sông.

- Cam-Ranh đây Tân-An.

- Cam-Ranh nghe.

- Thẩm-quyền cho biết điểm qua sông tốt vì ở đây sâu quá.

- Ðúng rồi Tân-An. Hãy cho di-chuyển dọc theo sông về phiá trái sẽ có chỗ qua dễ hơn, nước ngang lưng thôi.

- OK, đáp nhận Cam-Ranh.

Thế núi từ trên cao đổ xuống quá dốc và bờ sông nằm ngay dưới chân dãy núi, không có địa thế bố-trí để yểm-trợ cho cánh quân qua sông. Còn phiá bên kia bờ là đồng bằng lau sậy từ mé sông tới chân núi cả cây số. Nếu địch quân phục-kích trên triền núi thì không sao chống cự được và rừng lau sậy bên kia sông không thể che chắn được đạn địch, nguy-hiểm hơn nữa là nếu chúng dùng hoả-công thì đòan quân sẽ bị thiêu cháy.
Là một cấp chỉ huy tác-chiến, với những năm dài trên chiến-trường khốc-liệt, chúng tôi cũng đã nhìn thấy địa thế quá đỗi nguy-hiểm, song không có sự lựa chọn vì giòng sông Ba-Lòng và dốc núi dính liền vào nhau chạy dài hàng cây số, nên cuối cùng toán quân tiền-phong cứ lần dọc theo dưới chân nuí để tìm chỗ vượt sông. Khúc sông này theo bản-đồ hành-quân có tên là Ba-Lòng, (có lẽ vì nó chảy qua quận Ba-Lòng, được thành lập dưới thời cựu Tổng-thống Ngô-đình-Diệm), và tiếp-tục chảy về phía đồng bằng hạ-lưu. Trước khi đổ ra Cửa Việt, giòng sông chảy qua thị-xã Quảng-Trị với tên là sông Thạch-Hãn (Thạch-Hãn có nghĩa lã “Mồ hôi đá”, có lẽ vì khí hậu khắc-nghiệt, nên mồ hôi của núi đá cũng đổ ra thành sông chăng?)

- Ðức-Hòa đây Tầm-Dương.

- Ðức-Hoà nghe thẩm quyền.

- Ðức-Hòa cho Trung-đội 2 tiến lên sườn nằm bố-trí, yểm-trợ cho đại-đội vượt sông, và Hoà sẽ theo Trung-đội 1 qua sông trước.

Chúng tôi đã tới vị-trí mà chiều hôm qua, cánh B của Cam-Ranh đã vượt sông, lúc bấy giờ là 8 giờ 25 sáng. Trung-đội 2 tiến lên ngang Trung-đội 1 và trèo lên cao trên sườn núi và chục mét để bố-trí.

- Sa-Giang cho con cái qua sông, và khi tới bờ sông bên kia, cố thúc anh em di-chuyển nhanh vào chân núi, trên đỉnh đã có Cam-Ranh.

- Nhận rõ.

Thiếu-úy Sang điều-động con cái vượt sông, con sông không lớn, bề ngang chừng hơn hai mươi mét, ở giữa là một lườn cát nổi lên trên mặt nước như một cái cù lao nhỏ. Lội qua khoảng nước sâu tới thắt lưng chừng bẩy, tám mét là tới cù lao, rồi tiếp tục lội thêm một đoạn chừng mười mét nữa là tới bờ sông bên kia. Bờ bên kia là bãi cát chay dài theo bờ sông, sâu vào trong chừng hai muơi mét là rừng lau sậy. Trung-đội 1 qua sông an-toàn với Trung-uý Ðại-đội phó Ðỗ-đức-Hòa và Thiếu-úy Sang, di-chuyển về phía chân núi cách bờ sông chừng bẩy, tám trăm mét. Tiếp tục là Trung đội 4 của Nam và theo sau là BCH/Ð rồi tới Trung-đội 3 của Thiếu-úy Hồ-viết-Lam. Tôi đứng bên bờ gọi cho Minh-Giang chuẩn-bị cho con cái vượt sông. Gần ba trung-đội đã qua sông an-toàn, chỉ còn lại một tiểu-đội của Trung-đội 3, BCH/ÐÐ và Trung-đội 2.

Tôi nghĩ có thể đã an-toàn và tôi nhét bản-đồ vào túi aó trận rồi cùng hai nhân viên truyền-tin và toán Ðề-lô pháo-binh tiếp-tục lội qua sông.
Hạ-sĩ Trần-văn-Ba là nhân-viên truyền-tin của Ðại-đội gọi máy báo cáo lên Tiểu-đòan là ba đứa con đầu đã qua sông an-toàn. Khi BCH ra tới cù lao nhỏ giữa sông, tôi nhìn lại đằng sau, đã thấy Trung-đội 2 cho con cái tiến tới bờ sông rồi. Tôi yên-tâm và tiếp tục bước về phiá trước.

Trong giây phút bất ngờ đó, hàng loạt tiếng nổ của B40, B41 từ trên sườn núi cao phóng xuống giữa cù-lao và bên bờ sông, và hàng loạt đạn nhỏ bay tới. Với phản-ứng tự-nhiên, tôi đè Hạ-sĩ Ba và Binh nhất Hường xuống dưới mặt nước, và tôi cũng hụp xuống và lặn qua sông. Tới bờ sông bên kia, tôi chạy nhanh lên bờ, ẩn sau bụi cây bần cách bờ nước chừng mưới mét. Hường cũng chạy lên được nằm xuống bên tôi. Còn Ba thì khi lên tới bờ cát, bị đạn địch xuyên qua mông, té nằm trên bãi cát. Ba cố gượng đau, bò tiếp tục vào dẫy cây bần. Người sĩ-quan đề-lô pháo-binh tên Loan và và nhân-viên truyền-tin của anh chạy dến núp vào bờ sậy phía sau.

Nhìn ra giữa sông, Thiếu-uý Minh đang đứng trên cồn cát cùng với Trung-sĩ 1 Cảnh, trung-đội phó, và dưới chân anh thấy một vài binh-sĩ bị thương. Minh ra lệnh cho các tiểu đội sau lưng anh dừng lại và chuyển đội hình hàng ngang, tấn công ngược lên sườn núi. Trung-sĩ Tiểu-đội trưởng Nguyễn-văn-Còn và Trung-sĩ Lê-văn-Thọ đốc-thúc binh-sĩ leo lên, tiến chiếm sườn núi. Hỏa-lực của địch từ trên cao dồn tới-tấp vào vào điểm vượt sông và sườn núi phiá dưới. Thực vô cùng khó khăn cho Trung-đội 2 ẩn-nấp và bắn trả. Một quả đạn B40 dội sát bên cồn cát gần Trung-sĩ 1 Cảnh, anh bị trúng thương nặng, té ngược về phía sau, phân nửa người trên cù lao, và đầu gục trên mặt nước. Thiếu-uý Minh bị một viên đạn xuyên qua vế, anh khuỵu xuống trên mặt cát ướt, đưa tay ra hiệu cho tôi biết là anh đã trúng đạn. Tôi hét lớn:

- Cố-gắng lên Minh, xuống sông nhanh lên.

Nhưng khi Minh cố đứng lên, một phát đạn thứ hai trổ từ sau lưng anh bên vai phải ra phiá trước. Minh té xuống lần nữa, anh chống tay ngồi dậy, trong khoảng cách chừng gần 30 mét, tôi thấy nét mặt của Minh trầm-tĩnh vô cùng. Anh nhìn về phía chúng tôi và lắc đầu. Anh cố đưa bàn tay trái lên vẫy, nhưng có lẽ quá đau đớn, nên không đưa lên cao được để chào lần vĩnh-biệt, còn tay phải anh trở nòng súng Colt 45 vào thái-dương và bóp cò.

Giữa muông ngàn tiếng súng nổ của địch và của những thuộc cấp của anh, tôi, chúng tôi vẫn nghe rõ ràng tiếng súng của anh tự kết-liễu đời mình. Anh biết rằng anh khó sống nổi vì quá dau đớn và có thể vì sự sống của anh sẽ khiến nhiều chiến-hữu khác bỏ mạng để cứu anh. Minh chia tay với tôi giữa giòng sông định-mệnh. Thân xác bật ngửa, nằm trên cồn cát, chiếc nón sắt rớt bên cạnh. Máu của anh, của Cảnh, và các thuộc cấp hòa vào giòng nước trong xanh, tạo nên một mầu đỏ đặc-biệt, mầu cuả chiến-tranh, tang-tóc.

Trước mắt tôi, Minh có một đời sống vô cùng kín-đáo, chịu đựng. Lúc chỉ-huy tác-chiến, khi vui chơi nơi phố-thị, bao giờ anh cũng bình-tĩnh, ít nói và cương-quyết. Ðược biết, anh sống và lớn lên trong một gia-đình rất giầu có ở Saigon. Cuộc đời học-sinh, sinh-viên của anh đáng ra phải được trọn vẹn. Song không hiểu làm sao Minh đã chọn nghiệp Lính. Sau khi xuất thân khoá 4/68 Trường Võ-khoa Thủ-Ðức, Minh đã xin gia-nhập vào binh-chủng TQLC. Anh rất hãnh-diện với mầu áo rằn sóng biển, và anh cũng đã diễn tả niềm hãnh-diện của anh khi về với ÐÐ3/TÐ9/TQLC. Trong một bữa ăn ở gia-đình anh tổ-chức cho các SQ của ÐÐ3/TÐ9, khi giới thiệu tôi với gia-đình anh như sau:
“Mẹ và các em, đây là Trung-úy Ðoàn-văn-Tịnh, Ðại-đội trưởng của con. Trong chiến-trận, anh là một chiến binh đảm-lược, còn về thành-phố thì bay-bướm hết xẩy.” Lời giới-thiệu đó khiến tôi mắc cở đến muốn chui xuống đất để trốn.

Trong giây phút đó, tôi cùng Hường và Ba chỉ chỉ kịp kêu ồ lên một tiếng, vừa đau khổ, vừa xúc-động, tôi đập tay xuống cát, rên xiết và nước mắt chẩy dài. Ngoài tình đồng-đội, tình thuộc-cấp, Minh còn là người bạn, người em thân-thiết của tôi.

- Tân-An, Tân-An đây Ðàlạt.

- Tôi nghe Ðại-Bàng.

- Cho biết tình-hình.

- Trình Ðàlạt, Trung đội 2 đang chiến-đấu bên kia sông, nhưng Thiếu-úy Trung-đội trưởng Ðặng-ngọc-Minh và Trung-sĩ 1 Nguyễn-văn-Cảnh đã tử trận trên gò đất nổi giữa sông, chưa lấy xác được.

- Nhận được. Tôi sẽ cho ÐÐ4 đánh lên sườn dốc cao giải-toả cho Tân-An.

Và Ðại-đội 4 của Trung-úy Nguyễn-minh-Trí được điều-động tiến đánh lên sườn núi. Trận-chiến trở nên khốc-liệt hơn vì hướng tiến quân của Trí không thận-lợi vì lực-lượng của địch đông-đảo và bố-trí từ trên cao điểm.

- Tân-An đây Cam-Ranh.

- Tôi nghe Cam-Ranh.

- Tân-An có cần kêu PB vào đâu không?

- Tôi đang nằm cách bờ sông có mười mét, trước mặt là giòng sông, chung quanh là cát trống, nhúc nhích là chúng tác-xạ ngay. Cam-Ranh kêu pháo yểm-trợ cho Trùng-Dương đi.

Tôi muốn ở lại nơi này để tìm cách đưa phần còn lại của Trung-đội 2 qua sông cùng lấy xác của Minh và Cảnh và vài binh-sĩ nằm chết trên gò đất giữa sông. Nằm bên cạnh giòng sông mà khát nước gần chết. B1 Hường muốn bò xuống lấy nước, tôi bảo hắn:

- Nó lượm mày ngay đó Hường. Ðào sâu xuống nữa là có nước.

Hường lại dùng nón sắt đào sâu thêm hố, may mắn thay chỉ chừng ba tấc thôi là đã thấy nước. Ðịch quân vẫn theo dõi và cũng biết là chúng tôi chưa rời được bụi bần này, nên thỉnh-thoảng chúng đẩy vào vài quả B40 nhưng không trúng đích. Hạ-sĩ Ba, biệt danh là Ba lùn, cố nhịn đau, lấy nón sắt móc dần thành cái hố cá-nhân an-toàn.

o0o

5 giờ chiều ngày 6 tháng 6, 1971.

- Tân-An, Tân-An đây Phu-Nhân.

- Tân-An nghe Ðại-Bàng.

- Tôi sẽ cho Air đánh, Tân-An điều-chỉnh nghe.

- Phu-Nhân đánh vào đâu vậy?

- Sát bờ nước bên kia sông.

Mấy Tiểu-đội của Trung-đội 2, đã rút lui dọc theo bờ sông về phiá sau, và nhập vào với BCH/Tiểu-đoàn, có lẽ đã qua sông an-toàn.

- Ðáp nhận Phu-Nhân.

Chưa đầy năm phút sau, phi-đội F105 đã lượn tới, dộng xuống hai quả Napal. Hai tiếng nổ long trời, một quả day dọc theo sườn núi, còn một quả cầy dài trên mặt nước. Khói lửa văng ra, vừa nóng vừa sức nóng, và sức ép của quả bom, ba thầy trò tôi chút nữa chết cháy.

- Phu-Nhân đây Tân-An.

- Phu-Nhân nghe.

- Xin ngưng đánh vào bờ sông, nguy-hiểm lắm. Yêu cầu cho đánh cao lên trên sườn núi và sau đó dập cả PB nũa. ÐÐ4/TÐ9 đã rút rồi.

- Phu-Nhân đáp-nhận.

Sau gần hai giờ tiến quân, ÐÐ4/TÐ9 chiếm được một phần sườn núi và đỉnh nhỏ, song quân Bắc-Việt phản công và Ðại-đội 4 đã bị tổn-thất khá nặng và lùi dần. Trên máy truyền-tin tôi đã nghe Ðàlạt và Cam-Ranh cho pháo-binh dập xuống vị-trí giao-chiến.

- Ðức-Hoà đây Tầm-Dương.

- Nghe Tầm-Dương.

- Trời sắp tối rồi, Ðức-Hòa cho các Trung đội bố-trí và cho một Trung-đội theo đường cũ trở lại chỗ hồi sáng vượt sông để đem xác Minh và Của về.

- Nhận Năm.

- Trùng-Dương (ÐÐ4) đây Tân-An.

- Ở đâu vậy?

- Ở một bụi cây sát bờ nước, chỗ BCH/TÐ vượt sông.

- Qua sông đi Trùng-Dương, trời tối chắc an-toàn. Trong máy tôi nghe hơi thở dồn dập của Trí, chắc anh đang hồi-hộp.

- Không, chưa được, hơn nữa để coi các con cái như thế nào đã.

- Ðáp-nhận.

Khoảng một giờ sau, Hoà trở lại bên bờ sông đằng sau lưng chúng tôi và gọi:

- Tầm-Dương đây Ðức-Hòa.

- Nghe đây Ðức-Hòa.

- Ở đây có mấy cái xác trong Poncho của TÐ8.

- Tốt, cho di-chuyển về sau chân núi.

- Còn Minh và Cảnh đâu anh Tư?

- Ðang nằm giữa sông, tối quá, không thấy được nữa. Hoà và một tiểu-đội bò đến rặng bần. Sau khi hội ý, họ bò ra bờ sông, lội ra giữa cồn cát để tìm xác Minh và Cảnh.

Nước đã dâng cao, thủy-triều đã cuốn trôi mất mấy xác, trong đó có xác của Cảnh, chỉ còn lại xác của Minh và mấy anh em nằm trên cao, nên đã không bị nước cuốn trôi. Hoà cho đem hết lên sau bụi bần và gói vào Poncho. Khoảng 10 giờ đêm, tất cả xong xuôi và chúng tôi dìu dắt nhau di-chuyển lần về phiá núi. Mệt mỏi và đói khát suốt ngày, chúng tôi không còn sức để leo lên đỉnh núi bên kia. Chúng tôi ngồi dọc một hàng trên dốc núi, sau khi uống nước do Ðại-đội 2 tiếp-tế, chúng tôi ngủ quên tại sườn núi cheo leo. Bên tai tôi còn văng vẳng tiếng nói của Phán Mập, người Ðại-đội phó ÐÐ2:

- Anh Tư ăn tí thịt ba-lát cho đỡ đói nghe!

Hình như tôi đã lắc đầu và thiếp dần vào cơn ngủ mệt mỏi.

o0o

Sáng sớm hôm sau, mặt trời đã lên cao, tôi nhìn về rừng lau sậy ở dưới thấp và bờ sông bên kia là những dẫy núi cao trùng điệp, vùng chiến-trận, nơi mà hai Ðại-đội 3 và 4 của TÐ9/TQLC đã bị quân Bắc-Việt phục kích. Tuy rằng đã hoàn-thành nhiệm-vụ hành-quân tiếp-ứng, Tiểu-đòan bạn, nhưng chúng tôi đã thua trận hôm qua và rời bỏ chiến-trường, để lại một số thuộc cấp nằm trên đó, cùng với một số nổi trôi trên sông Ba-Lòng, nhờ giòng nước, đưa về nơi biển cả. Chúng tôi tiếp-tục đưa đại-đội lên các đỉnh núi và dừng quân phòng-thủ.

o0o

8 giờ sáng ngày 7 tháng 6, 1971.

Toán trực thăng tải thuơng đáp xuống đỉnh đồi trọc thấp nằm sau lưng của vị-trí phòng-thủ để đưa các thương binh về Huế. Tôi cho kiểm lại các Poncho đựng xác, kiểm lại các tấm thẻ bài, tên họ của tử-sĩ và đơn-vị được cột bên ngoài Poncho trước khi đưa lên trực-thăng. Ðoàn trực-thăng tải thương và tải xác cất cánh. Tôi đưa tay lên chào vĩnh-biệt và ngậm-ngùi nhìn theo những cánh chim sắt xa dần về phương Ðông, trên đó mang theo thân-xác của những người con đã trả xong nợ nước. Xác của những thuộc cấp thân mến, xác của người sĩ-quan kiên-cường, Thiếu-úy Ðặng-ngọc-Minh và người sĩ quan khoá đàn em khoá 23 tên Lương-văn-Của, người đã cùng chung Ðại-đội F với tôi khi còn ở trong TVBQG. Anh em chúng tôi đã gặp lại nhau trong vội vàng như thế đó.

Những ngày kế tiếp, TÐ9/TQLC di-chưyển lần lên các đỉnh cao gần căn-cứ hỏa-lực Sartre. Vừa hành-quân vừa lục-soát vừa nghỉ ngơi, tái trang bị để chờ ngày trở lại, vượt sông Ba-Lòng và tiến lên dẫy núi cao bên kia sông, tìm lại những người thuộc cấp của ÐÐ3, ÐÐ4 đang nằm trên đó.

o0o

Chiều ngày 13 tháng 6, 1971.

Ðại-úy Tiểu-đòan phó Cam-Ranh chỉ-huy hai Ðại-đội 3 và 4 tiến quân trở lại giòng sông, di chuyển vô cùng vất-vả vì những cơn mưa núi như trút nước, vừa lạnh, vừa ướt. Chúng tôi không thể tới điểm ấn-định được vì dốc núi trơn trượt. Ðêm đã xuống nhanh hơn theo cơn mưa tầm tã. Hai Ðại-đội đã phải dừng lại nghỉ quân qua đêm. Sấm chớp liên hồi, mưa như trút nước, đến nỗi không đào được hầm hố phòng-thủ.

o0o

Ngày 14 tháng 6, 1971.

Ðại-đội 3 và Ðại-đội 4 yểm trợ nhau vượt sông và tiến chiếm lên những đỉnh núi cao. Không có một sự đụng-độ nào của quân Bắc-Việt.

- Tân-An đây Cam-Ranh.

- Tân-An nghe thẩm-quyền.

- Tân-An cho dừng quân bố-trí, coi chừng phiá trước mặt và bên trái. Cho một Trung-đội trở lại lục-soát chỗ của Trung-đội 2 chiến-đấu hôm trước, hãy cẩn-thận.

- Ðáp-nhận Cam-Ranh.

- Trùng-Dương đây Cam-Ranh.

- Nghe Cam-Ranh.

- Trùng-Dương cho lục-soát về phía Tây, cẩn thận.

- Ðáp nhận Cam-Ranh.

Trở lại chiến-trường cũ, bom đạn đã dập nát tơi bời cây cỏ. Những trái bom đã đào những hố sâu và rộng. Mùi hôi hám còn nồng-nặc vì mùi hoá chất của bom, pha lẫn với mùi xác chết đang rữa thối mà anh em Ðại-đội 4 đang gói ghém cẩn-thận vào những Ponchos. Bất ngờ, binh-sĩ Ðại-đội 4 đã tìm thấy dưới một hố bom lớn còn một xác người, nằm bên cạnh vũng nước đọng, nhưng không bị rữa thối thì ra đó là một binh-sĩ của Ðại-đội 4 còn sống, tên là Binh nhì Nguyễn-văn-Mến, đã bị thương-tích khắp thân thể, phiá sau đầu bị dập bể, vết thương đã có dòi bọ. Sau một hồi xúc-động khi nhận ra chiến-hữu đến tìm kiếm mình, B2 Mến đã kể lại câu chuyện sau đây cho đồng-đội. Câu chuyện tưởng như một phép lạ đã đến với anh:
Khi Trung-đội 2/ÐÐ4 tiến quân xông lên được khoảng hơn một trăm mét, tôi bị viên đạn vào tay trái và một viên vào hông. Tôi ngã xuống, tôi cố bò vào sau một gốc cây và nhìn quanh coi đồng-đội của mình ở đâu để kêu cứu giúp. Nhưng ngay lúc đó địch bắn quá rát, tôi có la lên, nhưng không ai nghe thấy. Rồi đạn pháo cuả địch và của ta dập liên-hồi vào trận địa, hai bên cùng lui quân bỏ chạy. Từ đó những trận pháo và bom đổ xuống kinh-hoàng, tôi không còn nghe thấy gì nữa vì cơn đau của thân-thể khiến tôi mê-sảng. Ðêm xuống, tôi nằm chết bên gốc cây. Không biết bao lâu, tôi tỉnh lại, máu đã khô đặc trên quần áo. Ðói và khát nước quá, tôi bò quanh và tìm được lương-thực trong ba-lô của anh em để lại. Tôi ráng mở ra để ăn cho đỡ đói và cơn đau. Vì những vết thương hành-hạ, tôi xé áo quần thay băng để băng ngang hông và cánh tay. Qua một đêm nữa, quá lạnh, nhưng tôi không biết làm sao được. Tôi ngồi dựa vào gốc cây tránh gió. Tôi không còn biết muỗi mòng, sâu kiếncó cắn hay chích lên gnười tôi hay không. Sáng hôm sau, vừa mở mắt ra, tôi nghe tiếng nói chuyện, lục soát.tiến gần về phiá tôi. Và chúng la lên: “Ðồng-chí ơi, có một đứa chết ở đây”. Hai ba tên địch chay lại, và biết tôi còn sống. Chúng nhấc tôi bỏ lên cáng cây để khiêng đi. Nhưng khi chúng nhìn nhìn lên thân-thể tôi, chúng thấy cổ tay của tôi có xâm mấy chữ “TQLC” và “Sát Cộng”. Chúng tức giận bỏ cáng xuống rồi lấy bá súng đập vào đầu tôi và khắp mình mẩy, tạo nên những vết thương như thế này đây”.

Anh dừng lại thở một hơi dài mệt nhọc, nhìn những đồng-đội đang ngồi quanh chăm-chú nghe. Bạn đồng-đội dốt cho anh một điếu thuốc.
“Tiên sư mày chứ Sát Cộng à. Ông cho mày chết cha luôn. Chúng tưởng tôi đã chết, nên kéo tới bên hố bom, liệng xuống đó. Tôi nằm đó vì không còn sức để bò lên.”

Anh được đưa về bệnh-viện Quảng-Trị để chữa thương, nhưng vì những vết thương đã không được chữa-trị kịp thời đã trở nên ung-thối trầm-trọng, thêm vào đó những cơn đói khát và mưa lạnh của núi rừng trong suốt cả tuần lễ, khiến anh bị kiệt sức. Sau một ngày được tải-thương về bệnh-viện Quảng-Trị, B2 Nguyễn-văn-Mến, người chiến sĩ của Trung-đội 2, Ðại-đội 4/TÐ9/TQLC đã ra đi, vĩnh-biệt chiến-trường và đồng-đội. Thiếu-úy Ðặng-ngọc-Minh, Trung-uý Lương-văn-Của, Binh nhì Nguyễn-văn-Mến và các chiến-sĩ trong đơn-vị đã đền xong nợ nước. Chúng tôi xin nghiêng mình kính cẩn chào Vĩnh-biệt và tiễn-đưa các anh về cõi Vĩnh-Hằng. Các anh là những Chiến-sĩ anh-hùng, đã “Vị Quốc Vong-Thân”, xứng đáng để Tổ-quốc ghi công trên tấm bia lịch-sử.



Tân-An-ÐVT
MD ngày 16-10-2002

 


Hồi Ký

Tiến trình thành lập và phát triển  BC TQLC
Chiến sử TQLC
Binh Chủng TQLC
Sơ lược về BC TQLC
Trung Tá Lê Quang Trọng - Chỉ Huy Trưởng TQLCVN đầu tiên
Đại Úy Bùi Phó Chí vị Tiểu Ðoàn Trưởng TQLC đầu tiên
Trung Tá Lê Nhữ Hùng - người đã góp công nhiều cho sự hùng mạnh của Ðoàn Quân Mũ Xanh
Tiến trình thành lập Chiến Đoàn & Lữ Đoàn
Lữ Đoàn 258
Lữ Đoàn 369
Tiểu Đoàn 1 - Quái Điểu
Tiểu Đoàn 1 PB - Lôi Hỏa
Tiểu Đoàn 2 - Trâu Điên
Tiểu Đoàn 3 - Sói Biển
Tiểu Đoàn 4 - Kình Ngư
Tiểu Đoàn 5 - Hắc Long
Tiểu Đoàn 6 - Thần Ưng
Tiểu Đoàn 7 - Hùm Xám
Tiểu Đoàn 8 - Ó Biển
Tiểu Đoàn 9 - Mãnh Hổ
Tiểu Đoàn Tổng Hành Dinh
Tiểu Đoàn Truyền Tin
Pháo Binh TQLC
Viết cho những người pháo thủ Mũ Xanh
Một đoạn đường trong cuộc đời Y Sĩ TQLC


1963 - 1967

Mật khu Đỗ Xá
Chiến dịch Sống Tình Thương
Hành quân Hội Đồng Sẩm
Tiểu Đoàn 2 - Trận An Qúi
Tiểu Đoàn 2 - Trận chiến Tam Quan
Tiểu Đoàn 3 - Trận Bàng Long, Cay Lậy
Tiểu Đoàn 4 - Trận Bình Giả lúc khởi đầu
Tiểu Đoàn 4 - Bình Giả ơi! Còn nhớ mãi
Tiểu Đoàn 5 - Trận Mộ Đức
Tiểu Đoàn 5 - Trận Mộ Đức & Cái chết của vị TĐT
Chiến Đoàn A - Trận Phụng Dư
Chiến Đoàn A - Trận Đức Cơ
Chiến Đoàn B và TĐ-5 Dù Truy Kích CQ ở Ba Gia
Chiến Đoàn B - Cuộc hành quân đổ bộ Deckhouse V Sóng Thần


1968 - Mậu Thân

Tiểu Đoàn 6 - Trận Mậu Thân
TQLC Trong Tết Mậu Thân
Chiến Đoàn A - Trận Mậu Thân
Hình Ảnh T/T Nguyễn Văn Thiệu thăm TĐ2/TQLC


1969 - 1970

Cuộc hành quân qua Cambodia
Tiểu Đoàn 4 - Hành quân Cambodia
Tiểu Đoàn 7 - Những ngày đầu
Tiểu Đoàn 8 - Trận Cam-Bốt
Lữ Đoàn B  - Vượt biên qua Kampuchia


1971 - Hạ Lào

Hành quân Lam Sơn 719
Tiểu Đoàn 1 PB - Lôi Hỏa sang Lào
Tiểu Đoàn 2 - Hành quan Lam Sơn 719
Tiểu Đoàn 3 PB - Căn cứ hỏa lực Hồng Hà
Tiểu Đoàn 4 - Đêm Hạ Lào sao dài quá!
Tiểu Đoàn 9 - Trận chiến Ba Lòng
Tiểu Đoàn 9 - Trận chiến Động Cù Mông
Khoá 22 và Lam Sơn 719 Hạ Lào


1972 - Mùa hè đỏ lửa

TQLC/VN và cuộc tấn công của csBV tại Vùng I
Tiểu Đoàn 3 - Tại Đông Hà
Tiểu Đoàn 3 PB - Tay đôi với tụi nó...
Tiểu Đoàn 4 - Mùa hè đỏ lửa
Tiểu Đoàn 5 - Những ngày đầu
Tiểu Đoàn 6 - Thần Ưng trong mùa hè đỏ lửa
Tiểu Đoàn 6 - Xé xác tăng địch
Tiểu Đoàn 7 - Ngày đầu cuộc chiến
Trận QT 72 của Lữ Đoàn 258 TQLC
Lữ Đoàn 258 - Chiến thắng Quảng Trị tháng 4, 1972
Công sản BV bị TQLC đánh bại tại Đông Hà
Hành lang máu
Tiểu Đoàn 9 - Trận chiến cầu Bến Đá
Tiểu Đoàn 9 - Rừng núi Barbara
Lữ Đoàn 369 - Trân sông Mỹ Chánh
Tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị ngày 19-6-1972
Tiểu Đoàn 1 - Thử lửa đầu tiên
Tiểu Đoàn 1 - Nhảy vào Triệu Phong
Tiểu Đoàn 1 - Đổ bộ trong lòng địch
Tiểu Đoàn 1 PB - 20,000 đạn đại bác mỗi ngày
Tiểu Đoàn 2 - Cuộc chiến Cổ Thành Quảng Trị
Tiểu Đoàn 2 - Tiêu diệt chiến xa CSBV thuộc Tr/Đ Tăng-Thiết Giáp 202
Tiểu Đoàn 2 - Tái chiếm Dinh Tỉnh Trưởng & Toà Hành Chánh Quảng Trị
Tiểu Đoàn 3 & 6 - Tiến về Quảng Trị
Tiểu Đoàn 3 - Dựng cờ
Tiểu Đoàn 5 - Hắc Long dậy sóng
Tiểu Đoàn 5 - Đánh trên đầu địch
Người Pháo Thủ TQLC trong cuộc chiến 1972
Pháo Binh TQLC và trận Quảng Trị
Cờ bay trên Cổ Thành Quảng Trị


1973 - 1974

Tiểu Đoàn 2 - Cửa Việt, một chiến thắng vẻ vang và ngậm ngùi
Tiểu Đoàn 3 PB - Trước khi ngưng bắn
Tiểu Đoàn 4 - Hành quân Cửa Việt
Lữ Đoàn 258 - Chiến tích sau cùng


1975

Hương lộ 555 lẻ loi
Tiểu Đoàn 7 và Lữ Đoàn 147
Lữ Đoàn 147 - Di tản chiến thuật
Tiểu Đoàn 4 - Trận đánh cuối cùng
Tiểu Đoàn 9 - Trận đánh cuối cùng
Bãi biển Non Nước: Một kết thúc tức tưởi, oan nghiệt
Vị TĐT cuối cùng của Tiều Đoàn 1 Quái Điểu


Y Sĩ TQLC: Những người không thích sống lâu